Sunday, 10 November 2024
Tours

Bí ẩn tháp Poklongarai

Di tích tháp Pô Klong Garai  là quần thể tháp Chàm được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14, nằm trên đồi Trầu, (Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận). Đây là một công trình độc đáo, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật và điêu khắc Chăm.

Quần thể này gồm ba tháp: Tháp chính (nơi vua ở, cao 20,50 m, dài 13,80 m, rộng 10,71 m – đây là tháp để thờ phượng và hành lễ trong năm); Tháp lửa (bếp lửa của vua, cao 9,13 m, dài 8,18 m, rộng 5 m) và Tháp cổng (nơi vua tiếp khách, cao 5,65 m, dài 5,10 m, rộng 4,85 m) được xây dựng để thờ vua Pô Klong Garai (Pô Klong Garai là tên gọi của dân tộc Chăm đối với Vua SINHAVARMAN III (tên hiệu tiếng Phạn) trị vì, từ 1152 đến 1205 – vị vua có công lớn trong việc xây dựng hệ thống dẫn thủy ở địa phương.
Truyền thuyết của người Chăm về sự tích tháp Pô Klong Garai như sau: xưa kia, tại vùng Ninh Thuận, có 2 vợ chồng già người Chăm không có còn. một hôm, ông bà đi qua bến dâu phía trên đập Nha Trinh và thấy một cái bọc trôi lềnh bềnh giữa sông. Ông già vớt cái bọc lên, mở ra thấy một bé gái rất xinh. Ông bà rất đỗI vui mừng, đem bé gái về nuôi.
Thắm thoát, đứa bé đã lớn khôn và thường theo bố mẹ nuôi vào rừng kiếm củi. Một hôm, trời nắng gắt, cô gái khát nước, mà khu rừng, nơi ba người đang hái củi lại không có khe suối gì cả. ông già khuyên cô ngái ráng chịu, về nhà sẽ uống nước. không chịu nổi cơn khát, cô gái lén đi tìm nước uống. Đi một quãng xa, cô thấy một tảng đá rất to, ở giữa tảng đá có 1 vũng nước trong vắt. cô gái mừng rỡ, cúi xuống lấy tay vục nước uống ngon lành. Khi ông bà già tìm thấy cô gái thì vũng nước tự nhiên cạn dần. Ba người cho là điềm lạ, đành quay về. Từ hôm đó, tự nhiên cô gái thụ thai. Tới tháng, tới ngày, cô sinh được một bé trai mình mẩy ghẻ lở trông hết sức kinh tởm. Ông bà già rất quý cháu, nuôi nấng cháu rất cẩn thận, và đặt tên cháu là Pô Ong. Lên 7 tuổI, Pô Ong chăn bò cho nhà vua. Ngày nào cũng nhự ngày nào, đàn bò Pô Ong chăn dắt đều đặn ăn no và về chuồng đầy đủ. Một hôm, vì mãi chơi cùng bọn trẻ chăn bò, Pô Ong để lạc 1 con bò trong đàn. Chạy tìm kiếm khắp nơi mà không thấy, Pô Ong liền trèo lên một ngọn cây cao để nhìn và thấy con bò của mình đang bị cột trong vườn một ngôi nhà to lớn. Mừng quá, Pô Ong liền tụt xuống đất, làm cây cho cây rung chuyển. Cái cây bỗng trở nên đỏ chói, và biến thành một con rồng. Con rồng đứng yên, nhìn chàng trai một cách kính cẩn. Pô Ong nhờ một người lớn dẫn mình đến xin lại con bò. Không ngờ, chủ ngôi nhà to đẹp ấy là một vị thầy Cả có cô con gái xinh đẹp. Thấy Pô Ong ghẻ lở đầy mình, cô gái thưa với cha là hãy trả bò cho anh ta và đuổi anh ta đi. Nhưng vị thầy cả, thấy trên người Pô Ong có nhiều tướng lạ thì rất vui mừng. Ông lại nói cho con gái biết điều đó, và hứa gả con gái mình cho Pô Ong. Ông còn an ủi Pô Ong rằng, đến ngày lành tháng tốt những vẻ xấu xí bên ngoài của chàng sẽ biến mất.
Một thời gian sau, Pô Ong kết thân với 1 người bạn tên là Pô Klong Chanh và rủ nhau đi buôn trầu. Thường ngày 2 người đội thúng trầu về nghỉ ở một chỗ và thay phiên nhau về nhà lấy cơm ra cùng ăn (sau này tháp được xây dựng trên một ngọn đồi có tên là đồi Trầu, phải chăng vua Pô Klong Garai xưa kia buôn trầu thường nghỉ tại đây?). Một hôm, đến lượt Pô Klong Chanh đi lấy cơm, Pô Ong nằm nghỉ, rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Khi Pô Klong Chanh trở lại, thì thấy cảnh tượng lạ: một con rồng đang liếm khắp thân mình ghẻ lở của Pô Ong nhờ vậy biến đi hết. Pô Ong trở thành chàng trai đẹp lạ thường. Pô Klong Chanh đứng nhìn mãi không chán. Pô Ong thức dậy. chàng đỡ lấy gói cơm và chia cho Pô Klong Chanh một nửa. Pô Ong cầm tàu lá chuối, rạch 2 nửa bằng nhau, một cho bạn, một cho mình để đựng cơm. Vì bị rạch đôi mà ngày nay lá chuối bao giờ cũng có 2 nửa giống nhau, và chổ Pô Ong rach là sống của lá chuối.
Một ngày kia, nhớ tới chàng trai chăn bò mình đầy ghẻ lở, vị thầy Cả tìm đến để kết thân. Pô Ong nhận cô con gái thầy cả làm vợ mình. Được ít lâu, nhà vua băng hà nhưng không có hoàng tử kế vị. Triều đình lo nghỉ mà không có kế gì hay. Bỗng con voi trắng của hoàng cung phá chuồng chạy đến chỗ Pô Ong ở, quỳ xuống đưa vòi ra tỏ ý mời. Tưởng con vật cầu chuyện gì, Pô Ong bèn nhảy lên mình voi. Con voi trắng từ từ đứng dậy rồi đưa chàng về phía kinh thành. Khi đi qua sông Đà Rằng con voi dừng lại uống nước. Nhân cơ hội đó, Pô Ong bỏ trốn. Nhưng con voi rống lên từng hồi chạy tìm cho được Pô Ong. Bất đắc dĩ, Pô Ong phảI trèo lên lưng voi để nó chở đi. Dân chúng thấy hết sức vui mừng rủ nhau đi theo sau voi thành một đoàn người dài vô tận. Đến kinh đô, Pô Ong được tôn làm vua. Nhưng có người tỏ ra không phục, vì vua vốn chỉ là 1 anh chăn bò bẩn thỉu. Vua buồn qua, bỏ lên núi đi tu. Nhưng vua bỏ đi, trong nước xảy ra nhiều tai biến như mất mùa, dịch bệnh…vì thế triều đình và dân chúng lại lên núi rước vua về cung làm vua. Do có sự việc này, dân chúng mới gọi là Pô Klong Garai (vị vua trở lại) Pô Klong Garai là vị vua anh quân. Ngài có tài dẫn thuỷ nhập điền. Ruộng vườn, trước kia khô cạn, nhờ có ngài mà tươi tốt. Dân chúng no ấm hơn xưa. Ngài cho làm một chiếc bè bằng thân cây chuối, đặt ít đất lên bè rồi thả bè trên sông Dinh, đọc thần chú cho bè trôi ngược dòng. Bè đi đến Nha Trinh, ngài hô: “Dừng lại”. Lập tức bè chìm xuống, biến thành cái đập lớn chắn ngang sông. Ngài chỉ cho dân đào 2 con mương ở 2 bên để dẫn nước vào ruộng mà ngày nay vẫn còn gọi là mương Chăm. Nữ đào mương bên phải, Nam đào mương bên trái. Vì cứ lo đi chọc ghẹo các cô gái, nên bên nam đào mương rất chậm. Con mương bên trái, vì thế đành bỏ dở không dụng được..
Vua Pô Klong Garai là người mưu trí. Truyền rằng, lúc ngài được mọi người tôn lên làm vua, quan đạI thần Pô Dam không phục, cho ngài là tên chăn bò vô tài. Để đánh bại kẻ dèm pha mình, ngài liền thi tài xây tháp với Pô Dam. Ngài đã đốc thúc dân chúng xây một khu tháp đồ sộ và xong trước tháp Pô Dam.
Một lần, người Khơme xâm chiếm lãnh thổ Chiêm thành, Pô Klong Garai ra điều kiện xây thi xây tháp. Nếu ngài xong trước thì người Khơme phải rút quân về, còn nếu ngài thua thì phải nhượng đất cho họ. Ỷ vào số đông và tài xây tháp của mình, người Khơme nhận lời thách. Pô Klong Garai truyền cho dân chúng lấy tre làm khung, lấy giấy phết làm gạch. Chờ ngườI Khơme sắp hoàn thành tháp của họ, nhân đêm tối ngài cho dựng mấy cây tháp bằng tre, giấy lên. Sáng sớm tinh sương, người Khơme ngủ dậy, thấy tháp của người Chăm đã mọc lên sừng sững. họ đành chịu thua và rút quân về nước.
Sau khi đã lo cho dân được ấm no, vua Pô Klong Garai hoá thân về trời và trở thành vị thần che chở cho dân chúng. Nhớ ơn vua, dân chúng tạc tượng ngài, thờ trong ngôi tháp , mà chính ngài đã dựng lên trong cuộc đọ tài với Pô Dam. từ đó ngôi tháp mang luôn tên ngài – tháp Pô Klong Garai.
Di tích tháp Pô Klong Garai gắn liền với tín ngưỡng truyền thống của đồng bào Chăm ở địa phương. Hằng năm, nhân dân Chăm đều tổ chức các ngày lễ hội ngay tại tháp để tưởng nhớ đến công ơn của vị vua Pô Klong Garai . Mỗi năm, đồng bào Chăm có bốn lễ hội đặc biệt với những nghi thức riêng, bao gồm: Lễ Đầu năm (vào tháng giêng theo lịch Chăm) là lễ mở cửa tháp để bắt đầu một năm mới với những thành quả mới của dân tộc mình; Lễ cầu mưa (vào tháng 4 theo lịch Chăm) là lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Lễ hội Katê (tổ chức vào tháng 7 theo lịch Chăm), đây cũng được xem là lễ Tết lớn nhất trong năm của đồng bào Chăm. Trong lễ hội Katê, tất cả những người Chăm hiện đang sinh sống ở nhiều miền quê khác nhau đều hội tụ đông đủ về đây để gửi gắm những tâm sự thiêng liêng của mình và của gia đình đối với tổ tiên. Trong suốt 3 ngày diễn ra lễ hội, du khách đến tham quan còn được thưởng thức điệu múa quạt, vũ điệu siva thướt tha dịu dàng của các cô gái Chăm cùng với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo khác. Cuối cùng là Lễ Chabun (tổ chức vào tháng 9 theo lịch Chăm) đây là ngày lễ cha, theo tín ngưỡng của đồng bào Chăm.

Nếu có dịp ghé thăm khu di tích Tháp Pô Klong Garai , du khách sẽ được thưởng thức những đường nét ngoạn mục với lối kiến trúc hình vòm, hình chóp nhọn, phù điêu trang trí mượn của nền văn hóa Chămpa cổ và văn hóa dân tộc Việt, được thưởng thức cái nắng và gió hơi “ngang tàng” nhưng rất đặc biệt của xứ sở Ninh Thuận này.

thapcham

Post Comment