Sunday, 8 September 2024
News

Chuyến đi đến Đất Mũi điểm cuối cùng trên bản đồ hình chữ S Việt Nam

Chuyện là mình đã có chuyến đi đến Đất Mũi, điểm cuối cùng trên bản đồ hình chữ S – Việt Nam trong tháng 7 vừa rồi. Giờ mình xin kể lại câu chuyện và hành trình của mình cho các bạn.

Chuyến đi của mình mất 4 ngày, 3 đêm, tổng lộ trình là hơn 800km đường trường và chi phí thì không nhiều (khoảng hơn 1tr thôi) vì mình may mắn được ở nhờ nhà người quen và bạn bè (kể cả quen lâu lẫn mới quen trong lần này hehe).

Ngày đầu mình xuất phát từ Sa Đéc (Đồng Tháp) vào buổi sáng, chạy qua Cần Thơ, rồi theo quốc lộ 1A xuống Ngã Bảy Phụng Hiệp, qua Sóc Trăng. Đến Sóc Trăng, các bạn có thể tham quan rất nhiều chùa của đồng bào Khơ Me nơi đây tiêu biểu như chùa Dơi, chùa chén kiểu, hay một ngôi chùa cũng khá đặc biệt là chùa Đất Sét (vì chùa và các tượng phật trong chùa đều được làm từ đất sét và có tuổi đời hang chục năm… Ở Sóc Trăng các bạn có thể thể thưởng thức bánh Pía Sóc Trăng cực kỳ nổi tiếng nơi đây. Ngay đường vào thành phố Sóc Trăng là các cơ sở sản xuất bánh nằm dày đặt hai bên đường, tha hồ cho các bạn ghé thăm. À tại đây còn có món bún nước lèo cũng rất nổi tiếng. Hôm mình đi đã ghé ăn trưa bằng một tô bún nước lèo ở Mỹ Xuyên trước khi chạy tiếp xuống Bạc Liêu. Nghỉ ngơi xíu, khoảng 12h trưa mình bắt đầu xuất phát từ Mỹ Xuyên qua Đại Tâm, thăm chùa Khơ Me theo phật giáo Nam Tông nổi tiếng ở đây là chùa SÀ LÔN hay còn gọi là chùa chén kiểu vì xung quanh các bức tường của chùa toàn được ốp bằng các mảnh vỡ của các tô , chén do bà con quanh vùng quyên góp lại. Đây cũng là một sáng kiến của những vị sư nơi đây ngày đầu xây dựng chùa vì thiếu kinh phí. Cũng nhờ sáng kiến bất ngờ này mà ngôi chùa bỗng nhiên khác biệt với đủ màu sắc trên tường nhìn rất bắt mắt. Tiếp theo mình xuôi theo quốc lộ 1A tiếp tục xuống Bạc Liêu vào buổi chiều. Mình đã tranh thủ ghé thăm nhà máy điện gió Bạc Liêu (nơi đây chụp ảnh siêu deep nha các bạn. Vì mình đi một mình nênphải tự xử vụ này hehe), Mẹ Nam Hải linh thiêng và chùa Xiêm Cán (chùa Khơ Me rất đẹp và nổi tiếng ở Bạc Liêu) vì tất cả đều ở gần nhau. Khoảng 5h chiều mình bắt đầu chạy về nhà một người chị quen ở huyện Hòa Bình, khu vực gần sát biển, nơi có rất nhiều ao nuôi tôm của người dân nơi đây. Tối hôm đó mình cùng bà chị chạy ra Thành Phố Bạc Liêu chơi, tham quan công viên Bạc Liêu, với biểu tượng cây đờn kìm đặc trưng của nghệ thuật đờn ca tài tử. Vì mình ở lại Bạc Liêu có một đêm nên không thưởng thức hết các món đặc sắc nơi đây. Nhưng mình cũng kịp thử món Bún xào nem nướng ở quán Băng Tâm, đường Võ Thị Sáu. Quán này do bà chị giới thiệu là quán ngon nhứt nơi đây. Kết thúc ngày thứ nhứt với khoảng 200km.

Sáng ngày thứ hai, mình tiếp tục xuất phát từ Hòa Bình, Bạc Liêu qua miệt Giá Rai xuống Cà Mau (khoảng hơn 70 cây số). Đoạn đường từ Ngã ba Hộ Phòng về Cà Mau là rất đẹp nha các bạn. Xuống tới Cà Mau là trời vừa trưa. Mình liên lạc với một người bạn ở đây và được bạn ấy dẫn đi ăn trưa bằng món bánh tằm cay ở quán Ông Đạo (quán này thì quá nổi tiếng rồi). Sau đó tụi mình tham quan thành phố Cà Mau một vòng, thưởng thưc thêm món chè đá đậu ông Dú. Quán chè này đã có tuổi đời trên 50 năm, và là một phần ký ức của biết bao người Cà Mau. Quán nằm trong một con hẻm trên đường Lê Lợi (thưc ra là đường xuống bến đò qua kinh Rạch Rập, bến đò với những con đò chèo tay rất đẹp và thơ mộng). Tầm 12h trưa, chúng mình rời khỏi quán, và chạy thẳng xuống huyện Phú Tân để ra Đầm Thị Tường. Đường chạy ra đầm nước rất mát mẻ nha các ban. Hai bên là những hàng cây xanh mát che bóng cả con đường. Đến nơi là một quán nước , nơi các bạn có thể gửi xe và nhờ chị chủ quán gọi điện thoại ra ngoài đầm để có người chạy vô rước mình. (Chị chủ quán và anh lái tắc ráng chở tụi mình đều rất dễ thương và hiền lành). Ra tới giữa đầm là nhà chú hai Hùng – ông vua Đầm Thị Tường, ngôi nhà lớn nhất nơi đây, có thể chứa tới khoảng 200 khách cùng lúc. Tại đây các bạn sẽ được chiêu đãi các sản vật bắt trực tiếp tại đầm. Hôm mình đi là do không gọi điện đặt trước nên gia đình chú Hai có gì đãi nấy gồm ba khía, sò huyết, cá ngát và đặc biệt là cá dồ chó, món đặc sản chỉ có ở đây, ở đầm nước lớn nhất miền Tây này. Một bàn tiệc thịnh soạn mà chỉ tốn có 100k/người. Qúa rẻ. Chiều đến, tụi mình có ý xin cô Hai cho ngủ lại một đêm để sáng mai đón bình minh trên đầm và xuống Đất mũi luôn. Nhưng cô Hai nói là lúc này trời giông nhiều nên không dám cho ở lại. Tụi mình tiếc lắm nhưng cũng đành chịu, cùng với đó là nguy cơ ngủ ngoài đường vì trời đã tối rồi và từ Đầm ra lại đường chính là rất xa. May sao bạn mình xin được số điện thoại của cậu Ba Đúa (cậu của bạn ấy, sống một mình trong xóm Rạch Chèo hơn ba mươi năm). Tối đó, khoảng 8h đêm, sau khi chạy gần 30 cây số từ Đầm Thị Tường vô Rạch Chèo, cậu ba đón tụi tui và chở qua sông bằng chiếc xuồng chèo tay. Chiếc xuồng nhỏ mà chở tới 5 người, bơi qua cái ngã ba sông tối thui mà chỉ có cái đèn pin, cảm giác chỉ cần lắc nhẹ là cả 5 người rơi ngay xuống sông kakaka. Về đến nhà, cậu ba đãi chúng mình bằng chai rượu đế cùng cá và đống hàu đục ngay dưới cống nước trước nhà. Đêm đó chúng mình ngồi tâm sự tới tận khuya, giữa không gian mênh mông toàn rừng đước và bầu trời đầy sao. Nó có khác gì những miêu tả trong tác phẩm Đất rừng Phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi đâu. Sáng sớm hôm sau, chúng mình thức dậy và đón bình minh trên xóm Rạch Chèo, một trong những nơi heo hút nhất xứ cuối đất cùng trời này. Cái chỗ gì mà không có cầu, đi đâu cũng phài bằng xuồng, nhà nào sang hơn thì có xuồng máy. Buôn bán thì chũng chạy dọc trên sông, ai cần mua gì thì kêu lại. Bởi phải đến tận nơi mới thấy được sự nghèo khó của một vùng quê, mới thấy tại sao trên thành phố lại có những quỹ từ thiện chỉ chuyên để xây cầu cho người Cà Mau.

Ngày thứ ba từ xóm Rạch Chèo xuống Đất Mũi rồi về lại thành phố Cà Mau, tổng lộ trình khoảng 180km. Đường từ Năm Căn xuống Đất Mũi phải nói là tuyêt đẹp luôn các bạn. Một con đường thẳng tấp, hai bên là những cánh rừng đước xanh rì chạy dài, xa xa lại có những đoạn cong uốn lượn tuyệt đẹp. Đây có lẽ là cung đường đẹp nhất mình từng chạy. Xuống tới Đất Mũi, tụi mình chụp ảnh ở điểm cực Nam của tổ quốc, điểm cuối cùng của đường Hồ Chí Minh và ngắm mặt trời ở cả đằng đông và đằng tây trên cùng một vùng biển. Coi như hành trình đã thành công. Đến chiều,mình về lại thành phố Cà Mau. Tại đây, bạn mình dẫn mình vô một quán bánh tằm cay không tên, trong một con hẻm nhỏ dưới chân cầu Cà Mau mà theo bạn mình nói thì đây mới là quán bánh tằm cay đầu tiên và ngon nhất. Tại quán, lúc đó cũng tầm 10h đêm, mình có nghe được câu chuyện của cô chủ quán và ông khách gìa. Có lẽ ông là người Cà Mau xa xứ và vừa trở lại quê hương, tìm về quán cũ để thưởng thức lại hương vị của ngày xưa. Ra về ông còn quay lại nói hôm sau sẽ ghé nữa và dặn cô hãy làm đúng khẩu vị ngày xưa cho ông.

Ngày thứ tư, mình rời thành phố Cà Mau, chạy theo đường xuyên Á qua miệt thứ Kiên Giang rồi theo quản lộ Phụng Hiệp về Vị Thanh, Cần Thơ trước khi về lại Sa Đéc. Đường từ Kiên Giang về Vị Thanh rồi Cần Thơ cũng là một cung đường đẹp ngất ngay cho những ai yêu sự bình yên của màu xanh với những cánh đồng lúa chạy dọc hai bên đường.

Kết thúc hành trình, mình thu hoạch được khá nhiều nào là cua Năm Căn, bồn bồn Cái Nước, Khóm Tắc Cậu, bông điên điển Vị Thanh…

Post Comment