Vẻ đẹp của Borobudur được ví như đóa sen rực rỡ nổi giữa lòng hồ. Borobudur có kiến trúc, hình dáng và cảnh quan khác xa những đền thờ truyền thống của Indonesia. Công trình này nổi bật giữa ngọn đồi xanh mướt trên vùng đồng bằng Kedu trù phú, vốn được bao bọc bởi những dãy núi màu lam tuyệt đẹp.
Borobudur có nghĩa là “đền thờ Phật trên ngọn núi”, được người Java gọi là ngôi đền linh thiêng. Nằm cách Yogyakarta – thành phố nằm ở miền trung đảo Java 42km về phía tây bắc, với khoảng 50 phút đi xe ôtô hoặc xe buýt, Borobudur được xây dựng trong khoảng 75 năm – từ thế kỷ thứ VIII – IX, dưới triều đại Syailendra sùng đạo Phật. Trong suốt 200 năm, ngôi đền là trung tâm của Phật giáo ở Java.
Thời đó, Vua Syailendra đã huy động nhân dân kiến tạo công trình vĩ đại này để vinh danh Phật giáo và cũng để tôn vinh sức mạnh chính trị của mình. Sức lao động của hàng ngàn người đã mang hơn 2 triệu khối đá từ những con sông lân cận về đến Kedu và sắp đặt thành một công trình 10 tầng kỳ vĩ mà không cần dùng vữa để kết dính các khối đá. Kỹ thuật xây dựng Borobudur đến nay vẫn còn là một bí ẩn lớn với các nhà khoa học trên thế giới.
Đến thế kỷ thứ 10, khi vương triều Syailendra lụi tàn, Hồi giáo bắt đầu thâm nhập miền trung Java, Borobudur bị lãng quên như bao đền thờ Phật giáo khác. Bên cạnh đó, bụi núi lửa, động đất và thiên tai đã biến công trình thành phế tích. Năm 1814, ông Stamford Raffles – Toàn quyền Anh tại Indonesia – cùng những đồng nghiệp từ Châu Âu đã phát hiện Borobudur dưới lớp bụi thời gian, mọi người đều sửng sốt trước “một ngôi vườn tháp” vĩ đại như thế mà bấy lâu họ không hề biết.
Borobudur quay mặt về hướng đông, cao 42m, dài mỗi mặt chân đền 123m; nếu đi hết các bậc thang, hành lang để lên đến đỉnh tháp thì bạn đã trải qua quãng đường dài 5km. Các tường thành ở mỗi tầng được phủ kín bởi 2.672 bức phù điêu, 504 tượng phật được chạm trổ công phu, mô tả cuộc đời đức Phật và bồ tát, phác thảo những câu chuyện về thiên đường, địa ngục… Toàn bộ 1.600.000 phiến đá lớn nhỏ của Borobudur được chạm trổ một cách tinh tế và đẹp đẽ, đã tạo nên một vẻ đẹp hùng tráng cho Borobudur.
Nhìn từ trên xuống, Borobudur thể hiện hùng hồn cho quan niệm “trời tròn đất vuông” của Phật giáo về vũ trụ với cấu trúc 2 phần rõ rệt: 3 tầng tròn ở phía trên và 7 tầng vuông ở phía dưới. Những học giả Ấn Độ cho rằng, tòa tháp này được thiết kế theo thuyết Tam giới của Phật giáo: 2 tầng đáy là “dục giới”, 5 tầng giữa là “sắc giới”, 3 tầng trên là “vô sắc giới”. 10 tầng của Borobudur tượng trưng cho 10 phẩm hạnh tuyệt đối mà một vị bồ tát phải hoàn thiện.
Đến nay, Borobudur là danh lam thắng cảnh thu hút nhiều khách nhất của ngành du lịch Indonesia. Vào lễ Phật Đản hằng năm, từng đoàn người nối dài đến đây hành hương. Ai cũng muốn lên tận đỉnh ngôi đền để phóng tầm mắt bao quát không gian xung quanh, ngắm nhìn tấm thảm xanh khổng lồ trải dài trước mặt, hưởng trọn bầu không khí hoàn toàn trong sạch, nhẹ nhàng đến thanh tịnh. Thời gian tuyệt vời nhất cho du khách khám phá vẻ đẹp huyền bí và ghi lại những bức hình ấn tượng của Borobudur là vào lúc bình minh.
Quần thể Borobudur đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1991. Đây không chỉ là một kỳ quan đáng ngưỡng mộ của Indonesia, mà còn là một trong những công trình nghệ thuật kiến trúc vĩ đại và giá trị nhất của thế giới Phật giáo và của cả nhân loại.
Hồng Nguyên/Báo Lao Động