Thursday, 28 March 2024
News

Di tích chùa Phú Lộc – Hải Dương

Chùa Phú Lộc, Hải Dương

Được xếp hạng cấp quốc gia từ năm 2001, chùa Phú Lộc không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là nơi lưu giữ những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc dân gian có giá trị.

Chùa Phú Lộc có tên nôm là chùa Ma Há, tên tự là Phú Lộc Tự là một trong sáu di tích của xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, cách TP Hải Dương khoảng 12 km về phía tây bắc. Là nơi có vị trí giao thông thuận lợi cho nên từ những thế kỷ trước Phú Lộc đã sớm trở thành trung tâm giao lưu kinh tế, văn hoá của khu vực, trên cơ sở xã hội đó nhiều thiết chế văn hoá cổ truyền đã ra đời và phát triển.

Chùa được khởi dựng vào thời Lê Sơ (thế kỷ XV) đây cũng là thời kỳ kinh tế, văn hoá phát triển rực rỡ trong lịch sử địa phương, chùa được trùng tu lớn vào thế kỷ XIX ( năm 1898), với kiến trúc tương đối đồ sộ. Trải những năm tháng dãi dầu mưa nắng, chiến tranh và biến cố xã hội, chùa hiện còn có kiến trúc kiểu chữ đinh (J) gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung, bảo lưu kiến trúc cổ. Toạ lạc trên mảnh đất rộng rãi bằng phẳng ở trung tâm làng Phú Lộc, phía trước có ao lớn, ven ao nhân dân trồng nhiều loại cây ăn quả xanh tốt, mái chùa cổ kính ẩn hiện trong những lùm cây tạo nên phong cảnh u tịch, thâm nghiêm.

Toà tiền đường xây bít đốc, bổ trụ, kết cấu khung vì kẻ chuyền chồng chóp, guốc nóc vát cạnh khắc chữ “Thọ” cách điệu, đấu hình chữ nhật, các con chồng chạm khắc đao hoả, phong cách thời Hậu Lê và hoa sen cách điệu. Các đầu bẩy toà tiền đường chạm kênh bong rồng lá quấn quanh, đao và râu tóc rồng kiểu mây cụm và đao hoả. Trên phần kẻ chuyền tạo hệ thống lá dong, được trang trí “ Rồng lá” “ Trúc hoá long” xen kẽ với các con chồn đang nô giỡn.

Nhìn chung di tích trải qua nhiều lần tu sửa cho nên kiến trúc nguyên bản bị thay đổi đôi chút, hai vì đầu hồi kiểu giá chiêng xen lẫn chồng rường, các bức cốn chạm đề tài tứ linh. Nối liền với tiền đường là 3 gian hậu cung xây bít đốc bổ trụ, kiến trúc kiểu kèo cầu, trụ báng đơn giản.

Chùa Phú Lộc thờ Phật theo phái Đại Thừa, trước cách mạng tháng 8 năm 1945, chùa có qui mô rất lớn, có tới 50 pho tượng và nhiều đồ tế tự, riêng hệ thống tượng thờ tại thượng điện có 6 lớp và hầu hết tượng được tạo vào thế kỷ XVIII – XIX . Ngoài ra ở các gian bên có tượng Quan Âm Toạ Sơn và Quan Âm Tống Tử, theo kinh phật đây là hai sắc tướng của Quan Âm. Ở toà tiền đường, tượng thờ được bố trí như sau: Ở gian bên trái là nơi thờ Đức Thánh Hiền và tượng Trừng Ác, bên phải thờ Đức Ông và tượng Khuyến Thiện. Ở hai bên đầu hồi thờ Bát Bộ Kim Cương, Thái Thượng Lão Quân và Bồ Đề Đạt Ma. Nhà thờ Mẫu mới được nhân dân xây dựng năm 1996, thờ Mẫu Thoải, Mẫu Thiên và Mẫu Thượng Ngàn theo tín ngưỡng thờ các siêu lực tự nhiên của người Việt cổ.

Với 35 pho tượng các loại, phần lớn được tạo vào thế kỷ XVIII – XIX, chùa Phú Lộc không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là nơi lưu giữ những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc dân gian có giá trị. Ngoài hệ thống tượng phật, chùa Phú Lộc còn giữ được nhiều cổ vật và đồ thờ tự khác như câu đối, đại tự, chuông đồng, cửa võng, bát hương…

Lễ Phật cầu may là việc làm không thể thiếu của người dân theo đạo Phật ở Việt Nam.Vào những ngày rằm và mùng một đầu tháng, nhân dân Phú Lộc đến chùa lễ Phật, lễ vật dâng cúng Phật chỉ là sản vật quê hương nhưng tỏ rõ tấm lòng thành kính. Ngoài ra chùa Phú Lộc  còn có một số các ngày lễ chính như sau: Đó là ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch – ngày Phật đản, ở Phú Lộc có lệ tụng kinh và làm lễ Mộc dục, tắm tượng bằng nước lá thơm và bao sái tượng bằng lụa đỏ, tấm lụa  sau được xé ra làm nhiều mảnh nhỏ cho mọi người để cầu phúc. Ngày 15 tháng 7 âm lịch – ngày lễ Vu lan, làm lễ cúng cho các cô hồn phổ độ chúng sinh theo đạo Phật xá tội vong nhân. Những năm gần đây nhân dân địa phương còn tổ chức lễ “Quy phật” cho những người quá cố với ý nghĩa cầu mong cho linh hồn người đã khuất được siêu thoát theo quan niệm tín ngưỡng dân gian. Vì đình Phú Lộc có thờ Thành hoàng nên dịp hội đình, nhân dân làm lễ ở đình xong bao giờ cũng đến chùa cúng Phật và ngược lại, cho nên lễ đình, chùa Phú Lộc đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của người dân nơi đây.

Chùa Phú Lộc là di tích Phật giáo được xây dựng khá sớm trên mảnh đất có bề dầy lịch sử văn hoá, một công trình kiến trúc cổ mang đậm nét nghệ thuật thờ Hậu Lê, với những mảng chạm khắc điển hình về các hình tượng “ Tứ linh” được hoá thân cùng với “ Tứ quý”. Hình tượng hoa sen với nhiều góc độ khác nhau được cách điệu tạo sự phong phú đẹp mắt. Hệ thống tượng Phật là những tác phẩm điêu khắc độc đáo của thế kỷ XVIII – XIX. Chùa còn là cơ sở cách mạng kháng chiến của huyện Cẩm Giàng và xã Cẩm Vũ. Việc nghiên cứu, bảo vệ di tích có giá trị minh chứng cho truyền thống cách mạng của cán bộ và nhân dân địa phương và giáo dục cho thế hệ trẻ trách nhiệm tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Với những giá trị lịch sử, văn hoá như đã nêu trên, chùa Phú Lộc đã được xếp hạng  cấp quốc gia  theo quyết định số 04/ 2001/QĐ – BVHTT, ngày 19/01/2001. Với cơ sở khoa học và pháp lý đó, cùng với ý thức giữ gìn di sản văn hoá của nhân dân địa phương, chùa Phú Lộc sẽ được bảo vệ và phát huy tác dụng tốt đáp ứng nguyện vọng của nhân dân địa phương.

Post Comment