Thursday, 28 March 2024
Tours

Lăng Minh Mạng (Hiếu lăng)

Lăng Minh Mạng

Lăng Minh Mạng (1820 – 1840)
(Hiếu lăng)

Lăng thuộc địa phận núi Cấm Kê, gần ngã ba Bằng Lãng, nơi hợp lưu nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch tạo thành sông Hương chảy qua Tp. Huế. Lăng cách Tp. Huế 12 km.

Tháng 4/1840, vua Minh Mạng đổi tên núi Cẩm Kê thành Hiếu Sơn và gọi tên lăng là Hiếu Lăng. Lăng được khởi công xây dựng vào tháng 9/1840.

Ðến tháng 1/1841 công trình đang xúc tiến thì Minh Mạng lâm bệnh mất, vua Thiệu Trị lên nối ngôi và tiếp tục cho xây dựng lăng theo đúng thiết kế cũ. Tháng 8/1841 thi hài vua Minh Mạng được đưa vào chôn ở Bửu Thành. Ðến năm 1843 thì việc xây lăng mới hoàn tất.

Lăng Minh Mạng là một tổng thể kiến trúc qui mô gồm khoảng 40 công trình lớn nhỏ gồm Cung điện, lâu đài, đình tạ,….được bố trí cân đối trên một trục dọc từ Ðại Hồng Môn (ở ngoài cùng) tới chân tường của La Thành sau mộ vua.

Các công trình được phân bố trên ba trục lớn song song với nhau mà đường Thần Ðạo là trung tâm. Tổng thể của lăng được chia ra:

– Ðại Hồng Môn là cổng chính vào lăng. Cổng có 3 lối đi với 24 mái lô nhô cao thấp và các trang trí rất đẹp. Cổng chính chỉ mở một lần để đưa quan tài của vua vào lăng, muốn ra vào phải qua hai cổng phụ là Tả Hồng môn và Hữu Hồng môn.

– Bi đình, sau Ðại Hồng môn là sân rộng, có 2 hàng tượng quan viên, voi ngựa. Bi đình nằm trên đồi Phụng Thần Sơn, bên trong có bia “Thánh Ðức thần công” do vua Thiệu Trị viết về tiểu sử và công đức của vua cha.

– Khu vực tẩm điện (nơi thờ cúng vua): đi tiếp là sân triêu lễ được chia làm 4 bậc. Mở đầu khu vực tẩm điện là Hiểu Ðức Môn; điện Sùng Ân nằm ở trung tâm thờ bài vị của vua và bà Tá Thiên Nhân Hoàng hậu. Hoàng Trạch môn là công trình kết thúc khu vực tẩm điện và ngát thơm hoa đại.

– Lầu Minh Lâu: đi tiếp qua ba cây cầu Trung Ðạo (giữa), Tả Phụ (trái), Hữu Bật (Phải) bắc qua hồ Trường Minh là đến lầu Minh Lâu (lầu sáng) xây dựng trên quả đồi có tên là Tam Ðài Sơn. Toà nhà có hình vuông, hai tầng, tám mái. Hai bên Minh Lâu về phía sau là hai trụ biểu dựng trên hai quả đồi Bình Sơn và Thành Sơn. Phía sau Minh Lâu là hai vườn hoa hình chữ Thọ đối xứng nhau qua đường Thần đạo.

– Bửu Thành (thành quanh mộ): hồ Tân Nguyệt hình trăng non ôm lấy Bửu Thành hình tròn nằm ở giữa. Qua cầu Thông Minh Chính Trực bắc qua hồ Tân Nguyệt có 333 bậc đá thanh là đến nơi yên nghỉ của nhà vua nằm giữa trung tâm quả đồi mang tên Khai Trạch Sơn được giới hạn bởi Bửu Thành hình tròn.

Lăng Minh Mạng với Bi đình, Hiểu đức môn, điện Sùng Ân và Minh lâu và gần 60 ô chữ chạm khắc các bài thơ trên đó là một bảo tàng thơ chọn lọc của nền thi ca Việt Nam đầu thế kỷ XIX…

Ngoài tính cách đăng đối uy nghi, đường bệ, lăng Minh Mạng còn có những nét quyến rũ của thiên nhiên đã được cải tạo để làm bối cảnh cho các công trình kiến trúc.

travellive.vn – Theo flickr

Post Comment