Điều thú vị trong chặng đường gần 400 km từ Hà Nội lên tới thác Bản Giốc, là du khách có thể tha hồ ngắm cảnh đẹp. Qua cửa kính xe ô tô, núi rừng hùng vĩ xen kẽ trùng trùng điệp điệp nối vào nhau. Những cánh đồng ngát xanh, vạt hoa dại bên đường, nếp nhà yên bình nép mình bên núi, bầy trâu lọt thỏm giữa cánh đồng làm nao lòng du khách.
Thác Bản Giốc nằm trong dòng chảy sông Quây Sơn, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua biên giới hai nước VN và Trung Quốc, uốn lượn quanh chân núi Cô Muông, qua những cánh đồng thuộc địa phận Đàm Thủy. Gần cuối dòng chảy, dòng sông Quây Sơn đổ từ độ cao hơn 30 mét xuống dưới chân núi tạo thành dòng thác hùng vĩ, sủi bọt trắng xóa. Thác Bản Giốc được chia làm hai phần, phía nam là thác cao, phía bắc là thác thấp. Thác thấp là thác chính, hùng vĩ hơn, tiệp mình vào núi rừng rộng lớn. Hôm chúng tôi đến, nhìn từ xa, dòng nước chảy từ trên cao xuống tựa những sợi tơ trắng xóa đang nằm vắt vẻo uyển chuyển trên núi rừng hoang sơ. Nước sủi tung bọt, ầm vang. Ánh nắng hắt trên nước, lấp lánh sáng. Vẻ đẹp, sự thuần khiết, hùng vĩ hòa quyện vào nhau.
Dòng sông dưới chân thác khá phẳng lặng, có thể đi thuyền tham quan. Ở đây có dịch vụ chèo thuyền đưa khách tham quan toàn bộ thác Bản Giốc và những cánh rừng, đồng ruộng bên bờ Quây Sơn. Cuối chiều, mặt trời xuống, ngắm nhìn thác nước tuôn trào, cảm giác thật lạ. Gió biên cương thổi lành lạnh, nhìn mặt sông xanh ngắt, lại ngước lên nhìn dòng nước tuôn trào, tựa như phun ra từ núi, đủ khiến niềm xúc cảm không tên trong lòng trỗi dậy.
Ở Bản Giốc, đến nay vẫn chưa phát triển dịch vụ ăn, ngủ cho khách du lịch. Vì vậy, chiều buông, chúng tôi phải lên xe về lại thị trấn Trùng Khánh tìm chỗ nghỉ ngơi. Nhưng không vì trở ngại nhỏ đó mà du khách phiền lòng. Bởi, chính sự hoang sơ nơi ngọn thác biên cương là điều làm người ta thấy thú vị.
Nguồn: Báo Thanh Niên