Sunday, 24 November 2024
Tours

Lễ hội dân gian và sức hút du lịch

Hầu hết lễ hội đồng bào các dân tộc thiểu số ở nước ta vẫn giữ được những nét truyền thống đặc sắc, tạo nên sức hút đối với khách du lịch. Tham gia lễ hội cũng đã trở thành một điểm nhấn trong hành trình của du khách trong và ngoài nước.

“Bảo tàng sống”

Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VH, TT và DL vừa tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 10 năm bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số. Theo thống kê, cả nước hiện có gần 8.000 lễ hội, trong đó chủ yếu là lễ hội dân gian, do cấp xã quản lý. Lễ hội dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với tín ngưỡng, tâm linh, chu trình canh tác, nông lịch sản xuất, nghi lễ vòng đời… với nhiều nghi thức, lễ thức, trò diễn độc đáo. Vì thế, có thể coi đây là “bảo tàng sống” chứa đựng các giá trị văn hóa, lịch sử phong phú, các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, trang phục, ẩm thực, trò chơi dân gian, lối ứng xử… của từng dân tộc, tạo nên bản sắc độc đáo của nền văn hóa Việt Nam. Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc Hoàng Đức Hậu cho biết, hầu hết lễ hội đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn giữ được những nét truyền thống đặc sắc. Phần lớn lễ hội được tổ chức không cầu kỳ, với quy mô không lớn, chi phí không tốn kém nhưng lại có tác dụng không nhỏ trong việc gắn kết cộng đồng và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng bào các dân tộc hồ hởi, phấn khởi khi được trực tiếp tham gia sáng tạo văn hóa, các hoạt động lễ hội…

Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2000 -2005 và 2006 – 2010, Bộ VH, TT và DL đã hỗ trợ phục hồi hơn 50 lễ hội dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh miền núi, các tỉnh đặc biệt khó khăn. Việc tổ chức điền dã, tiếp xúc các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, ghi chép tư liệu, xây dựng báo cáo khảo tả lễ hội… được thực hiện một cách nghiêm túc, bảo đảm tính trung thực của lễ hội truyền thống, đồng thời loại bỏ một số hủ tục lạc hậu. Đồng bào tự tổ chức lễ hội và thụ hưởng những giá trị văn hóa lành mạnh, tiêu biểu của dân tộc mình, không có sự áp đặt, làm theo. Thông qua lễ hội, các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc được khơi dậy, giúp đồng bào lựa chọn những yếu tố tiến bộ, phù hợp để bảo tồn, phát huy và nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa. Thời gian tới, Bộ VH, TT và DL sẽ tiếp tục hỗ trợ khôi phục các lễ hội tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là những lễ hội đặc sắc đang đứng trước nguy cơ mai một.

Tiềm năng du lịch

Nói đến du lịch văn hóa, không thể không nhắc đến các lễ hội truyền thống. Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hoàng Thị Điệp, các lễ hội với quy mô lớn, nhỏ trải khắp cả nước trong suốt cả năm đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy sự tăng trưởng của khách du lịch nội địa. Tìm hiểu, khám phá văn hóa bản địa, đặc biệt là cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số với nhiều lễ hội, nhiều phong tục, tập quán thi vị, độc đáo luôn có sự hấp dẫn, lôi cuốn không chỉ với khách du lịch quốc tế quan tâm trực tiếp đến văn hóa mà cả những người nước ngoài đến Việt Nam nghỉ dưỡng, tham quan hoặc thăm thân.

Biểu diễn kèn trong lễ hội Kate

Việc khôi phục và tổ chức lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số đã thu hút một lượng lớn khách du lịch. Năm 2000, ngay từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình hành động quốc gia về du lịch, để phát triển sản phẩm du lịch mới gắn với các lễ hội truyền thống, ngành du lịch đã chọn 15 lễ hội tiêu biểu cho các vùng miền, các dân tộc, trong đó có lễ hội Xuống đồng (Lồng tồng) của người Tày, lễ hội Katê của người Chăm, lễ hội Ooc Om bok của người Khmer… để đầu tư, chuẩn hóa thông tin, kịch bản với mục đích vừa tôn trọng tính truyền thống đặc sắc của lễ hội, vừa bảo đảm tính khoa học trong công tác tổ chức, đáp ứng yêu cầu của khách du lịch. Ngoài ra, ngành du lịch thường xuyên tổ chức cho các công ty lữ hành, các nhà báo đi thực tế, tham dự một số lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số để xem xét, kiến nghị đưa vào chương trình chào bán cho du khách.

Để tổ chức lễ hội dân gian vừa giữ được bản sắc văn hóa dân tộc vừa phục vụ phát triển du lịch, bà Hoàng Thị Điệp cho rằng, ngành văn hóa cần kết hợp với ngành du lịch, chính quyền địa phương rà soát lại tất cả lễ hội dân gian, trong đó có lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số. Căn cứ vào quy mô, tính chất, thời gian, địa điểm và các điều kiện về cơ sở vật chất, lựa chọn 20 – 30 lễ hội để chuẩn hóa thông tin, kịch bản, đầu tư đưa vào khai thác phục vụ du lịch. Đối với một số lễ hội, nếu cần thiết phải quy định cụ thể số lượng khách du lịch tối đa có thể tham gia để không ảnh hưởng đến môi trường tâm linh, môi trường tự nhiên và xã hội… Ông Hoàng Đức Hậu nhấn mạnh: khai thác các giá trị của lễ hội để phát triển du lịch phải bảo vệ được các giá trị chân xác của lễ hội. Các yếu tố văn hóa mới chỉ nên thể nghiệm ở phần hội – phần mở của lễ hội. Không nên sáng tạo thiếu tính khoa học và can thiệp thô bạo vào phần lễ, vốn được coi là phần cốt lõi của lễ hội.

theo dulichvn

Post Comment