Cư HLăm là tên gọi của di tích theo người Êđê ở Đắk Lắk. Theo tiếng của người Êđê thì Cư có nghĩa là núi, còn HLăm có hai nghĩa: một là để chỉ tội loạn luân, hôn nhân trái đạo đức giữa những người bà con gần, nghĩa thứ 2 là để chỉ một người con gái bị vùi lấp. Khu đồi Cư HLăm là ngọn núi đặc biệt có rừng nguyên sinh, gần với trung tâm thị trấn Cư Mgar và TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.
Cư HLăm được dân làng ở đây coi là một ngọn núi thiêng với nhiều câu chuyện truyền thuyết hấp dẫn nhằm lý giải cho tên gọi đó đã tồn tại từ đời này sang đời khác. Trưởng buôn Ea Măp, thị trấn Ea Pôk, huyện Cư Mgar, Đắk Lắk, ông Ama Xý kể lại chuyện từ rất xưa, khi vùng đầm hồ hiện nay nằm ở phía Đông ngọn núi có một buôn làng người Êđê sinh sống. Ngọn núi đã có từ lúc nào không ai biết, cũng chẳng có tên gọi, trên đồi rừng cây rậm rạp, có cả nhiều loài thú dữ như cọp, gấu…
Ở trong buôn có hai anh em họ Niê tên là Y Đin và HHoan yêu nhau, nguyện cùng nhau xây dựng hạnh phúc cho đến ngày đầu bạc, răng long. Theo luật tục của người Êđê, anh em cùng họ không được lấy nhau, bởi đó là sự loạn luân, tội lỗi không thể tha thứ, ai vi phạm sẽ bị cả làng bắt tội. Vì thế nên hai người phải chịu sự trừng phạt của buôn làng, phải ăn cơm trong máng heo, làm lễ cúng Yàng (thần) một con heo trắng…
Nhưng kỳ lạ thay, khi già làng đang làm lễ khấn nguyện xin tha tội thì bỗng nhiên con heo trắng (đã làm thịt) đang đặt trên bàn cúng vùng dậy chạy đi mất. Con heo chạy đến đâu, tự nhiên buôn làng sụp dần đến đó trở thành vùng đầm lầy nằm ở phía Đông dưới chân đồi núi Cư HLăm hiện nay. Đến khi có dân định cư mới đến thấy vẫn còn những cột nhà họ Niê như để nhắc nhở, giáo dục cho con cháu mai sau không phạm phải sai lầm. Và họ đã đặt tên cho ngọn núi và buôn đó là Cư HLăm (núi có cô gái mắc tội loạn luân).
Câu chuyện ấy cũng được truyền nhau, mỗi khi ai đang đi trên núi này, nếu vô tình nhắc đến tên hai anh em họ Y Đin và HHoan thì tự nhiên không biết đường về, cây cối trên núi cũng không ai dám chặt, vì cứ chặt về làm nhà mình thì tự nhiên nhà sẽ bốc cháy. Đặc biệt là dưới thung lũng ở giữa núi thỉnh thoảng có dòng nước chảy ra như suối, xung quanh mọc những cây môn ăn được xuất hiện, người dân bảo đó là nước mắt của cuộc tình… Cây lá ở đây có nhiều màu sắc đẹp, tương truyền ấy là mùa nàng HHoan đang dệt váy áo. Những khi hương hoa rừng toả ra thơm ngát, ấy là khi nàng H’Hoan đang gội tóc trên đồi… Nàng không mất đi mà vẫn đang hiện hữu trên quả đồi, trên từng thân cây, trên từng sắc lá, trong từng mùi hương, trong từng tiếng chim hót ở khu rừng thiêng này.
Về Cư Mgar, du khách còn được nghe nhiều di bản khác của truyền thuyết tình yêu giữa nàng H’Hoan và chàng Y Đin. Đây quả là một câu chuyện đầy nhân văn và rất có ý nghĩa trong cuộc sống hiện nay. Rồi cứ thế câu chuyện được truyền miệng mãi, khu rừng nhờ thế vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn…
Thực tế Cư HLăm ngày nay nằm trên một địa hình khá bằng phẳng, trong khu vực dân cư đông đúc của thị trấn Cư Mgar. Toàn bộ khu đồi núi có diện tích 18,96ha rừng nguyên sinh, xung quanh dưới triền núi có 32ha cà phê và 0,05ha mương nước cạn không thể sử dụng được nữa. Núi có độ cao ở đỉnh là 524m, so với mặt nước biển, độ dốc bình quân 15 độ. Núi được chia làm 5 tầng, 3 tầng trên là cây gỗ rồi đến tầng cây bụi tái sinh và cuối cùng là tầng thảm cỏ. Nhìn từ hướng Bắc thấy ngọn núi Cư HLăm giống như một chiếc bát úp khổng lồ thấp dần về phía Đông. Quan sát từ trên cao xuống, ngọn núi có hình dạng như một chiếc nón cụt, ở giữa là một thung lũng lòng chảo cây cối rậm rạp.
Theo những người dân ở trong vùng cho rằng, đây từng là miệng của một ngọn núi lửa cũ còn sót lại cho đến ngày nay. Đặc biệt, theo nhiều người ở đây cho biết, thỉnh thoảng ở vùng núi có mưa nhẹ, và chỉ riêng ở đây mới có, trong khi đó khu vực xung quanh thời tiết vẫn bình thường. Mặc dù giữa trưa hè oi bức nhưng xung quanh núi, không khí vẫn mát mẻ trong lành. Du khách dạo bước trên núi dưới những vòm cây xanh, thỉnh thoảng điểm vài cây hoa bằng lăng tím, ngắm nhìn những thân cây cổ thụ to đến vài người ôm không xuể, không khí trong lành của thiên nhiên thật khó tả hết. Có thể ví ngọn núi Cư HLăm như chiếc máy điều hoà không khí của thiên nhiên đã ban tặng cho con người ở vùng đất này.
Ngoài ra, ở phía Đông của ngọn núi có một vùng đầm hồ với diện tích 15ha, nước biếc quanh năm bốn mùa gợn sóng, mặt hồ còn được tô điểm bằng sắc thắm của các loài hoa sen, súng… Mỗi khi có những đàn chim trời kéo nhau về đây tụ họp thì mặt hồ lại rộn ràng những bản nhạc của thiên nhiên. Du khách cũng có thể đến tham quan buôn Ea Măp A và buôn Ea Măp B cách di tích 1km về hướng Đông…
Các cán bộ quản lý di tích thuộc Trung tâm Quản lý di tích, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đắk Lắk khẳng định, rừng nguyên sinh ở Cư HLăm được bảo tồn là dấu ấn văn hóa tâm linh đã in đậm trong tâm khảm của đồng bào Êđê, cư dân bản địa lâu đời ở đây để nhắc nhở, giáo dục mọi thế hệ ghi nhớ ý thức tôn trọng luật tục, tôn trọng luân thường đạo lý, tránh tội loạn luân. Đây không chỉ là việc bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc mà sâu xa hơn chính là bảo vệ sự sống còn của con người, môi trường, khí hậu, cảnh quan trong khu vực, góp thêm cho “lá phổi xanh” Tây Nguyên. Rừng Cư HLăm còn là cơ sở để giáo dục thực nghiệm, nghiên cứu cho các lớp cán bộ lâm nghiệp, sinh thái môi trường, sinh học.
Ngày 24/9/2009, trên cơ sở xác định được giá trị to lớn nhiều mặt của rừng nguyên sinh Cư HLăm, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định công nhận Cư HLăm là “Di tích danh lam thắng cảnh” cấp tỉnh. Nếu Cư HLăm được đầu tư xây dựng, hy vọng trong tương lai không xa sẽ trở thành một nơi du lịch hấp dẫn ở Tây Nguyên, thu hút được nhiều du khách đến tham quan
Nguồn: CAND