Đỉnh Wutai với 5 ngọn vốn được coi là núi thiêng của đạo Phật trải dài trên diện tích 2837 km2. Nơi đây là quần thể gồm 58 tu viện, chùa chiền trong đó đáng chú ý nhất là ngôi chùa bằng gỗ được xây dựng từ đời nhà Đường với rất nhiều bức tượng bằng đất sét có kích thước bằng người thật vốn được các kiến trúc sư coi là “báu vật ngàn năm”.
Tại đây người ta còn tìm thấy Ngôi đền Shuxiang được xây từ thời nhà Minh bên trong có 500 bức tượng mô tả những câu chuyện về cuộc đời Đức Phật.
Đỉnh Wutai là một trong những ngọn núi cao nhất ở phía Bắc Trung Quốc. 5 ngọn núi cấu thành nên Đỉnh Wutai gồm: Đỉnh Đông, Đỉnh Tây, Đỉnh Nam, Đỉnh Bắc và Đỉnh Giữa. Các ngôi đền ở đây được xây dựng từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên cho đến đầu thế kỷ 20. Đỉnh Wutai dẫn đầu trong 4 ngọn núi thiêng nhất của Phật giáo Trung Hoa.
Tương truyền, đức Bồ tát thường hiện trên ngọn núi này trên những đám mây ngũ sắc. Do vậy trong nhiều thế kỷ đây được coi là đỉnh núi Thiêng.
Từ những ngôi đền này mà người ta có được cái nhìn tổng quát về sự phát triển của kiến trúc Phật giáo cũng như hành trình phát triển của kiến trúc đền chùa miếu mạo của nền văn minh Trung Hoa trải dài hơn một ngàn năm.
Kiến trúc của những ngôi đền ở đây thường được các nhà Hán học hàng đầu cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc truyền thống Trung Hoa nghiên cứu, truyền dạy cho các thế hệ sau. Nhà thơ Đỗ Phủ đã từng viết nhiều bài thơ ca ngợi đạo Phật lấy cảm hứng từ đỉnh núi thiêng này.
Quần thể lăng mộ Hoàng gia của Vương triều Joseon Hàn Quốc (1392-1910) là tập hợp 53 ngôi mộ nằm rải rác tại 18 địa điểm khác nhau. Quần thể lăng mộ độc đáo này được xây dựng trải dài trong 5 thế kỷ, từ 1408-1966. Đây là nơi con cháu tưởng nhớ tổ tiên, thể hiện sự ngưỡng mộ với những thành quả mà Vương triều Joseon đã làm được trong quá khứ và bảo vệ những linh hồn của ông bà tổ tiên khỏi ma quỷ cũng như thời gian và các nhân tố chủ quan khác.
Ngoài khu vực chôn cất thi hài các thành viên trong Hoàng tộc của Vương triều Joseon Hàn Quốc, các ngôi mộ ở đây đều có khu vực hành lễ và lối vào cho khách tham quan. Lăng mộ tại đây chia thành hai loại, một là lăng mộ của các đời Vua và Hoàng Hậu (loại Neung: gồm 40 mộ), hai là lăng mộ của các Hoàng tử cùng thành viên của Hoàng tộc (loại Won: gồm 13 mộ).
Các ngôi mộ này được đặt ở 18 địa điểm khác nhau, có nơi cách cố đô Hanseong (Seoul ngày nay) tới 40km. Có mộ dành cho một người, có mộ chôn chung nhiều thành viên trong Hoàng tộc. Đây là nơi an nghỉ của 27 vị Hoàng đế cùng các Hoàng hậu và thành viên Hoàng tộc của vương triều Joseon. Các ngôi mộ ở đây đều được các ngọn đồi bao bọc, mỗi ngôi mộ đều được bao quanh bởi một khu vườn với thông xanh bốn mùa được xếp như một bức bình phong bảo vệ.
UNESCO đánh giá đây là quần thể kiến trúc độc nhất vô nhị. Trong mỗi ngôi mộ đều có tượng mang hình các chiến binh, hổ, ngựa cùng các vật dụng khác vừa để bảo vệ, phụng sự các linh hồn đã khuất, vừa là minh chứng cho sự phát triển của lịch sử nghệ thuật của vương triều Joseon trải dài suốt 500 năm.
Đây không chỉ là vùng đất Thiêng mà còn là nơi rất hút khách du lịch. Vì sự độc đáo của quần thể kiến trúc này mà Ủy ban di sản văn hóa UNESCO sẽ tổ chức một buổi hội thảo đặc biệt về các lăng mộ Hoàng gia của Vương triều Joseon vào ngày 15/7 tới. Đây là địa danh thứ 9 của Hàn Quốc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Núi thiêng Sulamain-Too (Kyrgyzstan) nằm trong Thung lũng Fergana Valley, là chặng quan trọng của Con đường tơ lụa Trung Á. Trong hơn 1.500 năm, Sulamain-Too là một cột mốc của những người đi trên con đường này và gọi là núi thiêng. Ngọn núi này gồm 5 đỉnh và nhiều đèo dốc với vô số các hang động, bên trong trình diễn nghệ thuật khắc đá của người xưa. Tại đây còn có 17 nhà thờ, trong đó có nhiều nhà thờ vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Người ta tin rằng tới cúng bái tại đây sẽ giúp hết nhức đầu, đau lưng, vô sinh và sống lâu.
Hệ thống thoát nước lịch sử Shushtar (Iran) được coi là kiệt tác của sự sáng tạo thiên tài. Công trình thoát nước độc đáo bậc nhất thế giới này được xây dựng từ thế kỷ thứ 5 trước công nguyên với hai con kênh chính cung cấp nước cho các cối xay trên sông Kârun. Hệ thống thoát nước này cung cấp nước tưới cho diện tích lên đến 40.000 ha. Hệ thống thoát nước lịch sử Shushtar còn được gọi là Mianâb (có nghĩa là Thiên đường) cùng với tháp nước, cầu, các bể chứa nước lớn và cối xay.
travellive – tin tức du lịch/Camnangdulich