Những lúc có sương mù, đứng ở bất cứ đâu, bạn cũng có thể “cắt” cho mình một khuôn hình như những bức tranh thủy mặc với nhiều ý nghĩa ẩn dụ khác nhau; còn những lúc có nắng lên, đất và núi như reo cười, màu xanh mỡ màng của cây cỏ được tô điểm bằng sắc vàng của hoa cải, sắc tím của hoa ban, sắc trắng của hoa trẩu… Ngoài phong cảnh thiên nhiên, Hà Giang còn có nhiều di tích, thắng cảnh mà nhiều người ao ước được đặt chân đến, thế nhưng có thể nói, ngành du lịch ở tỉnh này vẫn đang ở những bước đầu manh nha, tự phát, như một “nàng công chúa” vẫn đang ngủ vùi.
Một xứ sở giàu văn hoá
Đồng Văn có lẽ là huyện thu hút được nhiều khách đến nhất. Từ thị xã Hà Giang đi Đồng Văn là quãng đường hơn 150km, chênh vênh, men theo những sườn núi, uốn lượn hình chữ chi, một bên là núi cao, một bên là vực sâu. Cách huyện lỵ Đồng Văn chừng 25km, thung lũng Sà Phìn hiện ra trước mắt với dinh thự nhà họ Vương như một lâu đài nguy nga, cổ kính được bao quanh bởi những cây sa mộc cao vút hàng trăm năm tuổi. Kiến trúc dinh thự nhà họ Vương đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật từ năm 1993 và trùng tu thành “Khu di tích văn hoá nghệ thuật lịch sử nhà Vương”, được mệnh danh là “viên ngọc xanh” giữa lòng cao nguyên đá.
Dinh thự là sự kết hợp một cách hài hoà, tài tình giữa kiến trúc của người Mông bản địa, người Trung Hoa và người Pháp. Phố cổ Đồng Văn nằm ở trung tâm huyện lỵ từ lâu đã được coi là báu vật của Đồng Văn nói riêng và của Hà Giang nói chung. Nơi đây lưu giữ những phong tục, tập quán lâu đời và các giá trị văn hoá độc đáo với những ngôi nhà trình tường (tường đất dày 30 – 40cm, ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè), bờ rào đá xếp với những dây hoa xương rồng đỏ chói…
Văn hoá chợ cũng là một di sản văn hoá ở Hà Giang, những phiên chợ lùi, chợ lẻ, chợ theo các ngày con giáp và đặc biệt là chợ tình Khau Vai (ở Mèo Vạc) – mỗi năm họp một lần chỉ để gặp gỡ và nói lời yêu… Bên cạnh đó, vùng đất này còn là miền lễ hội mỗi độ xuân về: Hội Gầu Tào của người Mông, hội Lồng Tồng của người Tày, hội cầu mùa của người Dao…
Cao nguyên đá Đồng Văn đã được gia nhập mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của UNESCO vào tháng 10.2010. Thiên nhiên đã ban tặng nơi đây nhiều loại hình di sản, trong đó nổi bật là di sản địa chất và di sản văn hoá. Tính đến nay, sơ bộ thống kê được 45 di sản địa mạo, 33 di sản kiến tạo và rất nhiều hoá thạch trong các tầng đá trầm tích ở công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn (trong đó có 26 giống và loài mới trên thế giới lần đầu tiên được tìm thấy tại đây và đã được đặt tên theo các địa danh của Hà Giang).
Nhiều di sản trong đó được xếp hạng cấp quốc gia, quốc tế như: Hệ thống các thung lũng đứt gãy trên sông Nho Quế, đặc biệt là hẻm vực Tu Sản – Mã Pì Lèng, di sản địa chất, địa mạo độc nhất vô nhị trên thế giới… Ông Nguyễn Trùng Thương – GĐ Sở VHTTDL Hà Giang – cho biết: Ở Hà Giang có 23 tộc người cư trú, trong đó có 8 dân tộc bản địa như: Lô Lô, Pu Péo, Pà Thẻn, Phù Lá, Pố Y… Mỗi dân tộc đều có nền văn hoá truyền thống hết sức độc đáo. Hà Giang còn nhiều khu rừng nguyên sinh, hang động bí ẩn chưa được khai thác. Các rừng đá trập trùng, nhấp nhô ẩn hiện trong mây bạc, nhiều đỉnh núi cao trên 2.000m như: Pu Ta Kha, Tây Côn Lĩnh; các danh thắng như núi Cô Tiên, cổng trời Quản Bạ…
Nguy cơ biến dạng
Trước khi đến với Hà Giang, chúng tôi cứ mường tượng là sẽ được đến với một công viên đá rất cụ thể nào đó – như một bảo tàng ngoài trời. Nhưng thực tế, công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn bao gồm tới 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Phố cổ Đồng Văn, dáng dấp khi xưa đã bị dị tướng ít nhiều bởi hàng chục ngôi nhà bêtông xen kẽ giữa những ngôi nhà mái ngói âm dương. Đầu phố, một ngôi nhà đã được phá dở dang và đang đợi sự cho phép của huyện để xây nhà nghỉ 5 tầng.
Tình trạng khu phố cổ có vẻ đang theo đà của khu 36 phố phường Hà Nội cũng như phố cổ Đường Lâm ở Hà Nội, hàng chục ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng, ai có tiền thì phá đi xây nhà mới, ai không có tiền thì cứ nơm nớp sống trong ngôi nhà cũ nát với nguy cơ bị đổ hoặc sụt mái bất cứ lúc nào. Được biết, năm nay Bộ VHTTDL sẽ đầu tư 1 tỉ đồng từ nguồn vốn quốc gia cho phố cổ Đồng Văn. Nhưng theo bà Lý Trung Kiên – Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn – hiện có khoảng 18 ngôi nhà cần được sửa chữa khẩn cấp để bảo đảm an toàn cho người dân, để làm được việc này thì cần số tiền lên tới vài chục tỉ.
Chợ tình Khau Vai ở Mèo Vạc nức tiếng thuở nào thì giờ đây gần như đã bị sân khấu hoá, hành chính hoá mất rồi. Ngày nay người ta đến chợ chủ yếu bằng xe máy và như đi tham dự bất kỳ lễ hội nào khác. Cũng một dãy quán làm dịch vụ bán, buôn nhộn nhịp. Ngoài mấy món ăn truyền thống của người dân tộc như thắng cố, mèn mén, xôi ngũ sắc…, thì các loại hàng hoá còn lại hầu hết đều từ dưới xuôi mang lên hoặc từ Trung Quốc mang sang; đâu rồi những vuông thổ cẩm thêu tay, những con ngựa thồ nặng những sản vật địa phương, những chàng trai, cô gái ngất ngây men rượu, men tình… Cứ đà này, không biết đến bao giờ du khách mới được tham dự một phiên chợ tình nguyên gốc, khi ngay cả người dân bản địa, vì nhiều lý do khác nhau, cũng chẳng mấy thiết tha với nét văn hoá truyền thống độc đáo ấy của mình.
Đánh thức Hà Giang – cách nào?
Chúng tôi đến Hà Giang đúng vào dịp đoàn tuyên truyền lưu động toàn quốc nhân dịp bầu cử HĐND các cấp về tới Hà Giang. Tỉnh cũng đang chuẩn bị công tác đăng cai tổ chức Hội nghị tuyên giáo toàn quốc. Rồi khách mọi nơi đến với chợ tình Khau Vai… Việc tìm được một chỗ ngủ qua đêm ở Mèo Vạc hay Đồng Văn là vô cùng khó khăn trong những ngày này. Cả tỉnh Hà Giang chưa có một khách sạn nào ngoài các nhà nghỉ của các ngành, cơ quan hoặc tư nhân.
Đồng Văn là nơi thu hút khách đến nhiều nhất, mà tính đến hết tháng 12.2010 cả huyện chỉ có 6 cơ sở lưu trú với khoảng 132 phòng nghỉ. Bà Lý Trung Kiên – cho biết: “Mới đây, huyện thông qua nghị quyết về “Phát triển du lịch – dịch vụ Đồng Văn đến năm 2015”, coi du lịch thực sự là ngành kinh tế quan trọng của huyện, doanh thu từ du lịch đạt trên 16 tỉ đồng…”. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu khiêm tốn đó đối với Đồng Văn cũng không dễ dàng gì. Bà Lý Trung Kiên cho biết thêm: Các nhà đầu tư chưa dám đến với Đồng Văn vì hiện nay huyện chưa có quy hoạch tổng thể. Theo dự kiến đến đầu tháng 5 này, tỉnh mới thông qua.
Khi cao nguyên đá Đồng Văn được gia nhập mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của UNESCO, tỉnh Hà Giang đã xây dựng “Chương trình du lịch cao nguyên đá Đồng Văn” gồm 10 tour, nhưng cho đến nay, có thể nói, những tour ấy vẫn chỉ là “chương trình trên giấy, bởi nguồn nhân lực ngành này rất thiếu. Phần lớn khách đến với Hà Giang là du lịch tự phát (dạng đi “phượt”) hoặc du lịch “bao cấp” (kiểu các cơ quan, tổ chức theo các mối quan hệ ngành ngang, ngành dọc lên thăm thú Hà Giang) chứ chưa có một sản phẩm tour nào chính thống thu hút các khách tiềm năng, tạo nguồn thu cho địa phương….
Mặc dù là một trong những tỉnh nghèo của đất nước, nhưng Hà Giang có hệ thống đường giao thông khá hoàn chỉnh. Hiện nay 100% số xã trong toàn tỉnh đã có đường ôtô đến tận trung tâm các xã, hầu hết các thôn bản đã có đường bêtông liên thôn… Ông Nguyễn Trùng Thương cũng cho biết: Tỉnh đang phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng dự án quy hoạch công viên địa chất toàn cầu Đồng Văn, theo đó sẽ có một đường cáp treo dài chừng 14km lên công viên.
Rõ ràng, với hạ tầng giao thông như vậy cộng với sự giàu có, đa dạng về văn hoá như đã nói ở trên, Hà Giang có rất nhiều tiềm năng để phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Nhưng để làm được điều đó, Hà Giang rất cần một sức bật thật mạnh, ngoài việc đầu tư thích đáng vào công tác bảo tồn di sản, Hà Giang còn phải nỗ lực rất nhiều vào công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành này.
Theo Lao động