Kiên Giang là tỉnh có tiềm năng du lịch lớn với địa hình phong phú bao gồm đồng bằng, núi rừng và biển đảo. Trong khuôn khổ “Năm Du lịch Quốc gia Mekong – Cần Thơ 2008”, Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa-lễ hội để giới thiệu đến du khách gần xa những sản phẩm du lịch đặc sắc của vùng đất này.
Kiên Giang đang đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, các công trình, đồng thời xúc tiến quảng bá du lịch. Trong 6 tháng cuối năm 2008, tại Kiên Giang sẽ có 4 sự kiện lễ hội. Qua các sự kiện này, khách du lịch sẽ được tham gia nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, đặc sắc và hấp dẫn.
“Khám phá hang động – biển đảo Tây Nam” là một chương trình diễn ra từ ngày 01/6 đến 30/9/2008, tại thị xã Hà Tiên, với những sự kiện như: Lễ khánh thành tượng đài Mạc Cửu diễn ra vào tháng 9/2008 với nhiều hoạt động phong phú như: lễ tế đền thờ Mạc Cửu, rước sắc phong về đình. Qua lễ hội này, du khách và nhân dân địa phương sẽ có dịp tìm hiểu về công ơn của người có công khai phá vùng đất phương Nam. Đến Kiên Giang vào dịp này, du khách còn có cơ hội tham gia Hội chợ-triển lãm du lịch thương mại quốc tế biên giới 2008 có sự góp mặt của doanh nghiệp các tỉnh, thành phố: Kampot, Kep, Sihanouk Ville (Campuchia); Chanthaburi, Trat (Thái Lan). Những hoạt động lớn quanh sự kiện này còn có liên hoan ẩm thực, biểu diễn pha chế rượu cocktail và triển lãm tranh, ảnh, thư pháp với chủ đề về vùng đất Hà Tiên, thả đèn hoa đăng trên Đông Hồ.
Các sự kiện xoay quanh lễ hội hấp dẫn du khách không kém là hội đua ghe Ngo và thuyền truyền thống, múa lân, đấu cờ tướng, các trò chơi dân gian và đua bò với sự tham gia của tỉnh An Giang. Cũng trong dịp này, khách du lịch sẽ có cơ hội tham gia các tour: khám phá hang động – biển đảo Tây Nam bằng tàu du lịch ven bờ; nghiên cứu khu dự trữ sinh quyển hệ sinh thái đá vôi Kiên Lương – Hà Tiên, quần đảo Bà Lụa, hang động Hòn Đất; du lịch xuyên 3 quốc gia: Việt Nam – Campuchia – Thái Lan bằng môtô, ôtô qua cửa khẩu quốc tế Xà Xía.
Từ ngày 25/9 đến ngày 27/9/2008, tại thành phố Rạch Giá sẽ diễn ra Lễ hội kỷ niệm 140 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực với hai phần: phần lễ và phần hội.
Phần lễ được tổ chức theo nghi thức truyền thống tại đền thờ và công viên tượng đài cụ Nguyễn, gồm có lễ dâng hương, thượng đại kỳ, tế đàn cả, tế hậu phối, diễu hành và rước thỉnh sắc thần kết hợp chương trình sân khấu hóa công bố lễ hội truyền thống anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực – một trong những lễ hội tiêu biểu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Phần hội được tổ chức với quy mô lớn và hoành tráng hơn so với năm trước như: chương trình sân khấu hóa lễ khai mạc tại trục đường Lạc Hồng và 3 tháng 2; hội chợ – triển lãm Festival Kiên Giang 2008 tại Công viên Văn hóa An Hòa; triển lãm ảnh đường phố với chủ đề “Kiên Giang hội nhập và phát triển”; triển lãm thư pháp, gốm sứ Hòn Đất, chiếu Tà Niên, hang thủ công mỹ nghệ đan bằng lục bình và cỏ bàng tại Công viên Nguyễn Trung Trực, Trần Hưng Đạo và hai bên đường Nguyễn Công Trứ; Tổ chức các cuộc thi: múa lân – sư – rồng, trưng bày cộ hoa, trái cây, xe đạp hoa, tìm hiểu thân thế sự nghiệp của Nguyễn Trung Trực tại sân khấu ngoài trời Nhà thiếu nhi tỉnh, giải bóng chuyền khu vực ĐBSCL và các đêm biểu diễn nghệ thuật ở các tụ điểm sân khấu trong thành phố Rạch Giá. Đặc biệt, tại lễ hội sẽ giới thiệu chiếc chiếu hoa lớn nhất Việt Nam do làng dệt Tà Niên thực hiện, được trải ở sân hành lễ dưới chân tượng đài Nguyễn Trung Trực. Ban tổ chức lễ hội cũng thiết kế một số tour du lịch văn hóa như: “Tìm về căn cứ kháng chiến của Cụ”, “Hành trình di tích thành phố Rạch Giá”, “Nghiên cứu khu dự trữ sinh quyển Vườn Quốc gia U Minh Thượng”. Tổ chức “Tuần lễ phát động phong trào bảo vệ môi trường du lịch thành phố Rạch Giá”.
Nhân dịp lễ hội Ok- om -bok của đồng bào dân tộc Khmer, Kiên Giang còn tổ chức Ngày hội văn hóa – thể thao dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang 2008, từ ngày 12/11 đến 14/11/2008 tại huyện Gò Quao, gồm các hoạt động chính: Chương trình sân khấu hóa lễ khai mạc, lễ cúng Trăng; Hội diễn văn nghệ quần chúng dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang; Thi làm đàn thủy lục, đua ghe ngo, bóng đá, bóng chuyền, đua vỏ máy, thi đấu võ cổ truyền; Hội chợ-triển lãm thương mại.
Tháng 12/2008, tại huyện đảo Phú Quốc sẽ có Tuần lễ du lịch văn hóa Phú Quốc và lễ công bố Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Kiên Giang trên hòn đảo Ngọc với chương trình văn nghệ biểu diễn thời trang; Hội chợ triển lãm văn hóa – du lịch – thương mại Phú Quốc 2008; Chợ sản vật và văn hóa ẩm thực miền biển cùng một số hoạt động văn hóa – thể thao: thi ảnh, sáng tác ca khúc tân, cổ nhạc, triển lãm ảnh đẹp môi trường và du lịch, thi hóa trang đêm Noel đảo Ngọc, bóng chuyền bãi biển. Tổ chức tua tham quan thám hiểm khu bảo tồn san hô, cỏ biển và quần đảo An Thới bằng tàu đáy kính và lặn biển; Xe đạp leo núi, thám hiểm thượng nguồn suối Tranh và suối Đá Ngọn. Tổ chức họp mặt doanh nghiệp và nhà đầu tư tại Phú Quốc và hội thảo với chủ đề “Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Kiên Giang – nguồn lợi phát triển du lịch”. Tổ chức “Tuần lễ phát động phong trào bảo vệ môi trường du lịch Phú Quốc”. Đặc biệt, chương trình lễ công bố Khu dự trữ sinh quyển, được truyền hình trực tiếp từ huyện đảo Phú Quốc.
Nguồn: Báo Cần Thơ