Sunday, 24 November 2024
News

Bí ẩn thác Voi ở Cao nguyên Lâm Đồng

Thác voi

Dòng thác trắng xóa và bầy voi phục hóa đá làm khách phải tìm đến. Chinh phục cung đường để tiếp cận đến chân thác, khách có cảm giác như đang đi trong rừng già, thám hiểm một vùng đất lạ. Thác Voi ở Lâm Đồng là một điểm du lịch như thế…

Thác Voi được dịch nghĩa từ tên gọi Liêng Rơwoa của người K’Ho bản địa. Đứng trên đỉnh thác nhìn xuống chân thác, khách nhìn thấy những tảng đá hình khối trông giống như những con voi đang quỳ. Cư dân bản địa cho rằng đó là bầy voi hóa đá trong câu chuyện “Hòn Vọng Phu” của cao nguyên Lâm Đồng.

Người K’Ho hiện vẫn truyền miệng nhau câu chuyện về sự tích của dòng thác này. Ngày xưa, già làng có một cô con gái nhan sắc. Khi nàng cất tiếng hát, gió phải ngừng thổi, chim phải ngừng hót, thú dữ phải dừng chân… để nghe tiếng hát của nàng. Người yêu của nàng là một chàng trai vạm vỡ. Hai người hẹn sẽ kết duyên khi chàng đánh giặc trở về. Nhưng chàng đã ra đi mà không trở về. Nàng buồn nên chạy ra phía núi, nơi hai người hẹn hò để cất tiếng hát cho đỡ nhớ chàng. Loài chim B’ling vốn là loài chim đẹp, hót rất hay từng chứng kiến những cuộc hẹn hò của sơn nữ nên đã bay đi khắp bốn phương trời dò la tin tức chàng để báo cho nàng hay. Nhưng nàng không chấp nhận nỗi thương tâm đó và quyết lên đường đi tìm chàng. Nàng vừa đi vừa hát để mong tiếng hát có thể bay xa, đến tai chàng… Nhưng nàng sơn nữ “vọng phu” đã không đến nơi được vì đã khóc thương và hát đến ngã gục bên sườn núi. Rồi một tiếng nổ lớn làm gãy đôi sườn núi tạo một dòng thác tuôn trào. Bầy voi quỳ nghe nàng hát cũng đã hóa đá từ lâu. Người đời đã xúc động trước mối tình này, đã đặt tên thác là Liêng Rơwoa hay còn gọi là thác Voi.

Thác Voi là điểm du lịch khá mới lạ đối với khách Việt Nam, nhưng từ lâu đó là điểm đến của khách Tây khi đến Đà Lạt – Lâm Đồng. Trước đây, khách xuất phát từ Đà Lạt phải trở xuống đèo Prenn rồi theo hướng Liên Khương đi Ban Mê Thuột, đến thị trấn Nam Bang (huyện Lâm Hà, Đà Lạt) thì rẽ vào con đường nhỏ để đến thác Voi. Đoạn đường này dài khoảng 60km. Hiện nay, Đà Lạt đã làm xong đường Tà Nung, khách đi theo đường thác Cam Ly rẽ lên Tà Nung, đến Nam Bang với khoảng cách được rút ngắn hơn một nửa. Điều lý thú khi đến thác Voi là khách không phải chinh phục đỉnh thác mà là chinh phục… chân thác! Vừa dừng xe, tiếng nước đổ từ độ cao 30m vang vọng, làm kích thích đôi chân du khách như muốn chạy ngay đến với dòng thác này. Tuy nhiên, đường đi không dễ dàng dù đã được xây dựng hệ thống bậc thang, cầu bắc qua những khe đá. Trước đây, qua đoạn này, khách phải đu dây rừng, phóng, nhảy từ tảng đá này qua tảng đá kia… Dù đã được đầu tư xây dựng nhưng đường xuống thác hiện vẫn chút “nguy hiểm” vốn có. Khách vừa đi vừa leo trèo. Có khi phải leo đến chót vót của một khối đá lớn rồi đổ xuống phía sâu thẳm bên kia tảng đá. Tay bám vào những thứ gì vớ được trên đường để làm điểm tựa. Vì thế, cung đường này không dành cho người lớn tuổi và người nhát gan. Càng sâu vào trong, không khí càng mát mẻ. Nguy hiểm, cực nhọc nhưng nghe tiếng thác reo – tiếng nàng sơn nữ “vọng phu” hát, khách quên hết tất cả. Hơi nước đọng lại trên những tán cây lớn tạo “mưa rừng” suốt cả quanh năm. Cung đường giữ nguyên vẻ nguyên sinh, khách có cảm giác như đang thám hiểm một vùng đất lạ. Càng đi, càng thấy bí ẩn bởi không gian tịch mịch, bốn bề là rừng và đá núi, vang vọng từ xa là tiếng nước đổ…

Khi đứng trước ngọn thác cao khoảng 30m, rộng khoảng 15m, khách không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp trinh nguyên của nó. Dòng thác quá hùng vĩ. Chân thác là lô nhô những khối đá tạo những hang động. Có hang sâu đến 50m, nhiều hang là nơi trú ngụ của những đàn dơi lớn. Nước tuôn thành dòng chảy xiết qua các ngóc ngách, tạo thành dòng sông dài như đến vô tận, như tiếng hát cao vút và ngân vang của nàng sơn nữ ngày xưa…

Nguồn: Báo Hậu Giang

Post Comment